Đề tiểu luận thực hành văn bản tiếng Việt kỳ 1 năm học 2020-2021 – USSH
ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI – TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN
ĐỀ TIỂU LUẬN HẾT HỌC PHẦN HỌC KỲ I, NĂM HỌC 2020-2021
Học phần thi: THỰC HÀNH VĂN BẢN
Đối tượng thi: Sinh viên CTĐT chuẩn
Câu 1 (2 điểm): Chữa lỗi sai trong các câu sau.
1. Chính vì vậy Raphael đã làm đơn kiện bố mẹ anh ta ra tòa vì cảm thấy bản thân phải chịu thiệt, không chấp nhận bản thân được trào đời một cách “bị động” như thế.
2. Khoảng 19 giờ ngày 4-6, Rô Phong điều khiển xe máy BKS 81N1-07126 lưu thông trên đường Đông Trường Sơn theo hướng thị trấn Phú Túc về xã Chư Drăng thì chiếc xe bất ngờ mất lái tông đứt hàng rào dây thép gai rồi tiếp tục tông vào hàng cây bạch đàn ven đường tử vong tại chỗ.
3. Bước đầu cho thấy, bé Tr. bị xô xát ở 2 cánh tay, các ngón tay trái và phải đều bị gãy.
4. Trong thời gian kết nghĩa anh em, biết được vợ chồng chị Linh hay mâu thuẫn để lựa lúc vắng người an ủi động viên chị Linh, khiến anh chồng bắt đầu cảm thấy nghi ngờ.
Câu 2 (4 điểm): Lập dàn ý chi tiết cho đề tài “Sức mạnh của tinh thần đoàn kết trong chống dịch Covid 19”
Câu 3 (4 điểm): Tổng thuật 2 đoạn trích sau đây. (4 điểm)
Đoạn trích 1 – Bằng ngoại không dễ tìm việc
Việc thiếu trải nghiệm thực tế, chưa có quá trình chứng tỏ năng lực bản thân nhưng lại đưa ra các điều kiện quá cao đã khiến một bộ phận du học sinh ở nước ngoài về đánh mất cơ hội việc làm.
Ông Nguyễn Minh Hoàng, Giám đốc nhân sự Công ty Hoa Sen, cho biết trong đợt tuyển dụng trên, có gần 80 du học sinh tham gia ứng tuyển. Trong đó, 15 ứng viên bị “đánh rớt” từ vòng đầu, do họ đòi hỏi mức lương quá cao so với mặt bằng chi trả lương của DN.
Ông Trần Hữu Đức, Giám đốc Công ty Dịch vụ và Tư vấn phát triển nguồn nhân lực BBC, cũng cho biết nhiều DN từng “trải thảm đỏ” mời du học sinh về làm việc nhưng kết quả không như mong đợi. “Nguyên nhân chủ yếu là do phần lớn các bạn du học sinh chưa có kinh nghiệm về môi trường VN, hạn chế hiểu biết về điều hành, quản trị của DN trong nước.
Tuy vậy, ông Ngô Bảo Trung, Trưởng Phòng Quản lý chiến lược tổng thể Ngân hàng TMCP Đông Á, lại cho rằng cách quản lý dàn trải, thiếu chuyên nghiệp của các DN Việt Nam cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên. “Hệ thống quản lý của các DN Việt Nam chưa đủ sức sử dụng nguồn nhân lực này. Kiểu làm việc gia đình, cách thức tổ chức, văn hóa DN ở một số DN Việt Nam cũng tỏ ra không phù hợp. Vì lý do này, nhiều người đã “đầu quân” cho DN của nước ngoài” – ông Trung nhận xét. (Báo VnExpress)
Đoạn trích 2 – Kén cá chọn canh gây khó cho bạn trẻ
Ngày nay, giữa lúc nền kinh tế đang trong thời kỳ khó khăn nhưng vẫn còn không ít bạn trẻ, nhất là những bạn du học về, theo kiểu “kén cá chọn canh” khi đi làm. Đành rằng, các bạn trẻ tuổi và luôn năng động trong công việc nhưng nhảy cóc thường xuyên sẽ là một dấu ấn không tốt đối với nhà tuyển dụng.
Anh Hoàng Minh – Giám đốc một đơn vị tuyển dụng cho biết, các bạn trẻ ngày nay rất đa tài, có thể tự học, sáng tạo và khả năng làm việc cực kỳ tốt. Tuy nhiên, bạn chuyển việc nhiều quá khiến người ta không tin tưởng, lo ngại bạn sẽ không gắn bó dài lâu và lại “nhảy cóc” như những lần trước. Bên cạnh đó, có một số bạn có chuyên môn rất giỏi nhưng kinh nghiệm làm việc, hoặc các kỹ năng mềm còn kém nên không đảm bảo yêu cầu công việc công ty đặt ra, hay mức lương đề nghị không tương xứng… nên cũng không được chọn lựa.
Đi làm và muốn gắn bó lâu dài với công ty, ngoài việc biết được khả năng của chính bản thân, bạn trẻ cần biết mong muốn của nhà tuyển dụng để tạo được kinh nghiệm vững chắc trong công việc. Điều này cũng quí giá không kém gì tiền bạc.
Chuyển việc để có cơ hội tốt hơn là điều được các bạn trẻ “áp dụng”. Tuy nhiên, bạn trẻ cần cân nhắc kỹ càng, bởi sự kiên trì, nhẫn nại cũng như sự thể hiện năng lực của chính bản thân sẽ tạo được sự tin cậy, đề bạt và cất nhắc lên vị trí cao hơn từ người quản lý. Khi đó, bạn cũng sẽ có được những gì bạn mong muốn.
(Theo CareerLink.vn)
Trả lời